Thực Hành Vô Ngã by
Vô Ngã
Thiết Lập Tịnh Độ – Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Chương 4. Diệu dụng pháp thân
‘‘Này nữa, Xá Lợi Phất! Ở nước Cực Lạc có bảy lớp lan can, bảy lớp
lưới giăng, bảy lớp hàng cây, tất cả đều được làm bằng bốn thứ châu báu, bao
quanh giáp vòng, vì vậy cõi ấy được gọi là cõi Cực Lạc.’’
Câu kinh này nói về y
báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc. Y báo là môi trường và hoàn cảnh tương hợp với
chánh báo. Chánh báo chính là bản thân đức Bụt A Di Đà. Y báo bao gồm cả nhân
dân và cõi nước. Y báo và chánh báo trang nghiêm của cõi Tịnh Độ là do bản nguyện
của đức Bụt A Di Đà và nhân dân của cõi nước ấy tạo nên. Cũng vậy, y báo và
chánh báo của cõi Ta Bà đều do nghiệp lực cộng đồng của chúng sanh ở cõi này tạo
tác ra. Nghiệp lực của chúng sanh nơi cõi Ta Bà này được tạo nên bằng ngũ dục. Nhân
dân cõi này luôn luôn lao mình vào ngũ dục, do đó chất liệu Tịnh Độ biến mất,
không còn nữa.
Tại sao Bụt Thích Ca
nói ở cõi Tịnh Độ không có mặt ba con đường ác? Một mặt thì Bụt A Di Đà thuyết
pháp, một mặt thì chim chóc nhắc nhở và giúp mình đi về nẻo hướng thượng, thì
làm sao mà có tam ác đạo được? Chỉ trừ khi nào ta chán Tịnh Độ và muốn bỏ đi. Điều
này là do ta mà ra. Tâm ta bất an. Bất an nên không an trú được. Ta đã sinh về
Tịnh Độ với một ít hành trang phiền não; còn giận, còn ganh, còn được muốn biệt
đãi. Sinh về Tịnh Độ rồi, ta thấy Bụt A Di Đà không dễ thương như ta đã tưởng. Cái
mặt ngài cứ lầm lầm lì lì, không chú ý nhiều tới ta. Ngoài những giờ thuyết
pháp, ăn cơm và đi thiền hành với dân chúng, Ngài chỉ bàn chuyện với các vị Bồ
Tát lớn. Các vị Bồ tát lớn cũng thế, họ để ý tới ta ít quá, vì họ suốt ngày bận
rộn hướng dẫn cho những người vừa được vãng sinh tới. Số người vãng sinh qua Tịnh
Độ hàng ngày sao mà đông quá, các vị Bồ tát phải lo cho họ, nên không còn thì
giờ để chú ý tới ta. Không được biệt đãi, ta chán, ta ghét, ta ganh tỵ và ta muốn
bỏ đi. Ta tới tuyên bố với Bụt A Di Đà như thế. Đức Bụt A Di Đà sẽ nói: ‘‘Tội
nghiệp cho con. Con không muốn ở đây, con lại muốn trở về bên đó. Ở đây thì con
có Tăng thân, có Bụt, có chim, có hồ sen, có đủ điều kiện để giữ cho con đừng
đi thối lui. Nhưng nếu lòng trần của con đã biểu hiện và con muốn trở về với
cõi Ta Bà thì con sẽ đánh mất Tịnh Độ và Tăng thân này.’’
Tăng thân là một môi
trường có khả năng hiến tặng cho ta sự an ninh. Tăng thân với hai vòng tay vững
chãi giữ ta lại trên con đường giới, định và tuệ. Vì vậy chúng ta phải quyết
tâm ở lại với Tăng thân. Chúng con nguyện một lòng về nương tựa Tăng thân. Cõi
Tịnh Độ là một trong những Tăng thân quý báu nhất.
Khi đi vào bếp nấu
cơm, ta cũng có thể tu chánh niệm được. Đến phiên ta nấu cơm cho đại chúng, ta
vào bếp, thắp một cây hương, dâng hương, rồi bắt đầu nấu cơm. Trong suốt thời
gian một giờ rưỡi hay hai giờ làm việc dưới bếp, ta biết thực tập theo dõi hơi
thở, biết là ta đang xắt gọt, rửa nồi hay xào nấu... trong chánh niệm. Do đó ta
vẫn còn đang an trú trong cõi nước Cực Lạc. Còn nếu không biết tu thì ta vừa
làm vừa giận, vừa làm vừa buồn, vừa ganh, vừa làm vừa nói xấu người khác, thì
tuy cũng là khung cảnh ấy nhưng đó lại là cõi Ta Bà. Nếu ta có giới, định và tuệ,
tức là có sự thực tập, thì nhà bếp là Tịnh Độ chứ không phải là Ta Bà. Tất cả đều
tùy nơi ta.
Bất cứ một cái gì ta
thấy được và tiếp xúc được đều có thể biến thành pháp khí. Cái chổi hay cái nồi
cũng là pháp khí, cái gì cũng có thể trở thành một điều kiện thuận lợi cho sự
tu học của ta. Đó là tài năng của đức A Di Đà. Tài năng của đức A Di Đà là sử dụng
tất cả những gì đang có mặt để đưa dân chúng của mình đi lên trong sự tu học.
Tài năng của Tăng thân cũng vậy, từ chuyện nấu nướng, dọn dẹp, làm vườn, cho đến
việc chăm sóc cây cảnh, tất cả những cái đó đều trở thành phương tiện tu học.
Chúng ta phải sử dụng tất cả những yếu tố kia để đi tới trên con đường tu tập
và chuyển hóa.
Trong một cõi Tịnh Độ,
người ta cũng có nấu cơm, ăn uống, đi hái hoa cúng Bụt, nghe kinh và đi thiền
hành; mọi người thảnh thơi và an lạc trong khi làm những việc ấy. Cõi ta đang ở
cũng vậy thôi. Không cần phải qua bên đó ta mới làm được những chuyện kia. Ngay
bây giờ ta cũng có thể làm được những chuyện mà bên ấy người ta đang làm, tức
là hái hoa, cúng Bụt, tụng kinh, nghe kinh, rửa chén, ăn cơm, đi kinh hành… Cõi
Tịnh Độ đang có mặt cho chúng ta. Chỉ có một điều đáng hỏi là chúng ta đang có
mặt cho cõi Tịnh Độ hay không mà thôi.
Trong khung cảnh Tăng
thân, mỗi khi chúng ta rửa nồi, pha trà, đi tắm hay làm vườn, mỗi hành động và
mỗi bước chân của chúng ta đều phải trở thành một lời thuyết pháp. Bước đi một
bước, đó là một bài thuyết pháp; nâng chén trà lên để uống cũng trở thành một
bài thuyết pháp. Bởi vì trong khi nâng chén trà lên ta có sự vững chãi, thảnh
thơi và ung dung. Uống trà như vậy là thuyết pháp. Ăn cơm như thế nào để có hạnh
phúc và an lạc trong khi ăn, thì ăn cơm cũng là thuyết pháp. Nhìn vào ta, người
khác thấy một vị Bồ tát đang sống trong Tịnh Độ. Điều này không phải đợi tới
ngày mai ta mới làm được. Ta phải làm được ngay ngày hôm nay. Làm được một ngày
là ta đã đi đến Tịnh Độ được một ngày.
Vì muốn làm cho pháp
âm được tuyên lưu rộng rãi trong xứ của Ngài, đức A Di Đà đã sáng tạo ra các
loài chim mầu nhiệm. Cũng vậy, muốn cho pháp môn và giáo lý của đức Bổn Sư được
thấm nhuần trong Tăng thân, chúng ta cũng phải sáng tạo như thế. Mỗi cử chỉ, lời
nói và ý tưởng của ta đều phải trở nên một phương tiện để thuyết pháp. Ta phải
tham dự vào sự nghiệp của Pháp thân, vì Pháp thân là thân của Pháp, thân luôn
luôn biểu hiện Pháp. Một bài thuyết pháp của Ứng thân hay Hóa thân có thể dài tới
một giờ rưỡi hay là hai giờ. Nhưng thế nào Ứng thân cũng phải dừng lại để nghỉ ngơi,
để ăn cơm. Còn Pháp thân thì khác, pháp thân thuyết pháp liên tục không ngừng. Thuyết
pháp bằng chim, bằng mây, bằng gió, bằng bước chân hay bằng hơi thở. Vì vậy
chúng ta phải tham dự vào sự nghiệp của Pháp thân. Chúng ta thuyết pháp bằng đời
sống hàng ngày của chúng ta. Ta thuyết pháp bằng hai bàn tay, bằng hai bàn
chân, bằng cái miệng trong khi ăn hoặc khi nói và bằng hai con mắt trong khi
nhìn. Bổn phận của người sống trong Tịnh Độ là phải tham dự vào sự nghiệp của
Pháp thân. Nghĩa là phải thuyết pháp bằng đời sống hàng ngày của mình.
Ngày xưa thánh
Ghandhi có nói rằng: ‘‘Đời sống của tôi là bức thông điệp của tôi’’ (My life is
my message). Thông điệp không được viết trên giấy mà được viết bằng đời sống
hàng ngày. Một bài thuyết pháp cũng vậy, không phải chỉ làm bằng ngôn ngữ và
danh từ. Bài thuyết pháp còn được làm bằng bước chân, hơi thở, động tác và cái
nhìn của ta. Tham dự vào sự nghiệp của Pháp thân là điều chúng ta có thể làm được
hàng ngày. Nhìn vào cách ta đi, đứng và tiếp xử hàng ngày tự nhiên người ta
sinh lòng kính ngưỡng và phát tâm tu tập. Như vậy, ta đã là một phần của đức Bụt
Di Đà.
Xá Lợi Phất, ở nước Bụt
ấy, mỗi khi có gió nhẹ xao động các hàng cây và các màn lưới châu báu thì người
ta được nghe những âm thanh vi diệu, giống như là có trăm ngàn nhạc khí cùng được
tấu lên một lần. Người dân nước ấy mỗi khi nghe các âm thanh kia thì đều nhiếp
tâm niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng.
Hiện tượng này ở đâu
cũng có. Mỗi khi có gió đi ngang các hàng cây tùng hay các hàng cây phong thì
âm thanh cũng mầu nhiệm vô cùng. Trong kinh không nói tới mưa, nhưng tiếng mưa
cũng êm đềm dễ chịu lắm. Những cơn mưa có khi rạt rào, có khi êm đềm làm cho
tâm hồn ta dịu lại và ta nghe trong tiếng mưa có âm nhạc của chư thiên, có tiếng
thuyết pháp. Nếu nhìn kỹ cõi Ta Bà với tất cả niệm và định, ta sẽ thấy cõi Ta
Bà này đẹp lắm. Tôi nghĩ rằng cõi Tịnh Độ có đẹp cách mấy thì cũng chỉ đẹp bằng
cõi Ta Bà mà thôi. Tất cả những gì ta thấy ở cõi Tịnh Độ thì bên này ta cũng có
thể thấy được cả. Chúng ta đã từng nghe các vị tổ sư nói: ‘‘Tịnh Độ ở trong tâm
mình.’’ Trong tâm mình có sự nhẹ nhàng, có sự cởi mở, có sự thanh thoát thì tự
nhiên nhìn cái gì cũng thấy là Tịnh Độ cả.
‘‘Mỗi khi có gió nhẹ xao động các hàng cây và các màn lưới châu
báu thì người ta được nghe những âm thanh vi diệu…’’
Chúng ta nghĩ rằng ở
tiệm kim hoàn mới có những hạt châu báu, nhưng kỳ thực những hạt sương long
lanh trên ngọn cỏ cũng đẹp và còn đẹp hơn cả kim hoàn nữa là khác. Và hay nhất
là không có ai muốn ăn cắp hoặc chiếm hữu. Tại vì ở đâu cũng có và chúng đẹp vô
cùng. Nói rằng những hàng cây bên đó làm bằng châu báu, nhưng những hàng cây
làm bằng châu báu thì làm sao đẹp bằng những hàng cây thật. Trên bàn Bụt, thỉnh
thoảng ta dâng cúng những hoa sen làm bằng gỗ, bằng bạc, bằng ngọc hay bằng
vàng nhưng những bông sen dâng lên trên bàn Bụt làm bằng vàng hay bằng ngọc thì
không thể đẹp bằng những bông sen thật. Những gì nhiệm mầu đã tả trong kinh A
Di Đà đều có đủ ở nơi ta ở, chỉ cần ta có tâm hồn thanh thoát và an lạc là có
thể thấy hết tất cả.
Ở cõi Tịnh Độ, khi có
gió đi qua các hàng cây và các màn lưới châu báu thì có những âm thanh vi diệu,
có âm nhạc và có lời thuyết pháp. Và khi được nghe những âm thanh như vậy thì
có cơ hội để dân chúng nhiếp tâm niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng. Ở đây chúng
ta cũng có thể làm y hệt như vậy. Chúng ta có tiếng chuông đại hồng, tiếng
chuông gia trì, tiếng chuông báo chúng, tiếng đồng hồ và tiếng điện thoại. Chúng
ta có những tiếng xướng kệ của các sư chú và các sư cô, có những hình ảnh đi ra
đi vào của thiền sinh trong chánh niệm. Tất cả những cái đó đều là những phương
tiện để nhắc ta trở về với sự niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng. Tiếng mưa, tiếng
gió, tiếng chim ta cũng có. Quả thật là không cần đi đâu hết, ở đây ta cũng có
đủ tất cả những gì diễn tả trong kinh A Di Đà.
0 Comments